Scroll To Top
Bài hot nhứt

List bài mới nhất

Sport news

Fashion news

Technology news

Health news

Lifestyle news

Other news

Recent Posts

Những mẹo dùng YouTube có thể bạn chưa biết

Wednesday, April 15, 2015 / No Comments

Nếu bạn là người thường xuyên xem video trên YouTube, bạn nên biết những phím tắt rất tiện lợi dùng trên mạng chia sẻ video nổi tiếng này.


Khi xem YouTube, sử dụng chuột để điều khiển video không phải là thao tác vất vả và mất thời gian nhưng nếu biết dùng các phím tắt chắc chắn sẽ nhanh hơn nhiều. Dưới đây là danh sách các phím tắt tiện nhất trên YouTube bạn nên dùng ngay.
Những phím tắt áp dụng khi mở video mới, không cần bấm vào bất kỳ chỗ nào trong giao diện video.
- Phím J: tua lại 10 giây
- Phím K: chuyển đổi nút tạm dừng/mở video
- Phím L: tua nhanh 10 giây
- Phím M: tắt âm thanh video
Các phím tắt sau đây có thể chỉ hoạt động khi bạn bấm vào nơi nào đó trên giao diện video (chạy, dừng, chỉnh âm lượng, tua…).
- Phím mũi tên trái/phải: tua nhanh hoặc tua lại 5 giây
- Phím mũi tên lên/xuống: điều chỉnh tăng giảm âm lượng.
- Các số từ 1 đến 9: tua tương ứng từ 10 – 90% của video.
- Phím Home: nhảy về đầu video
- Phím End: nhảy về cuối video
- Phím F: mở chế độ toàn màn hình
- Phím Esc: thoát chế độ toàn màn hình
Ngoài các phím tắt trên, bạn nào biết thêm các phím tắt khác mời chia sẻ với VnReview và các bạn đọc khác trong phần bình luận phía dưới nhé.
Theo Vnreview/Cnet

Làm cách nào để phỏng vấn cho một công việc hơi “quá tầm”

Tuesday, April 14, 2015 / No Comments
Bạn nộp đơn cho một vị trí mà bạn không thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu của nó, và nhờ thư xin việc tốt, bạn được gọi phỏng vấn. Ban đầu, hẳn bạn cảm thấy rất tuyệt – Nhưng sau đó, bạn sẽ lo lắng vì buổi phỏng vấn sắp diễn ra, nơi bạn sẽ phải thể hiện bù đắp khiếm khuyết về khả năng, kinh nghiệm hay bằng cấp.




Ngay cả nếu như bạn thiếu một ít kinh nghiệm, đơn xin việc của bạn cũng có thể được gọi phỏng vấn nếu nó có “điều gì đó đặc biệt”. Nhưng buổi phỏng vấn là thời điểm “thành công hoặc thất bại”. Sự đặc biệt trong đơn xin việc của bạn khiến người tuyển dụng không loại bạn ra, nhưng để thành công, bạn cần phải thể hiện rằng mình có thể thực hiện công việc cần thiết cho vị trí này.
Bạn sẽ cần phải biết các thông tin mà bất cứ ai làm công việc này cũng biết. Và tốt nhất là bạn nên hỏi một người trong nội bộ công ty, người sẽ sẵn sàng trả lời chi tiết cho những câu hỏi của bạn. Đừng nên tìm chỉ một người quen bất kỳ nào. Nếu bạn không có người thân thiết trong nội bộ, nên tìm những mối liên hệ, những chuyên gia trong công việc mà bạn tin tưởng nhất xin họ hướng dẫn.
Với bất kỳ cuộc phỏng vấn thông tin nào, bạn sẽ cần phải thực hiện thử công việc trước để thu hẹp khoảng cách kiến thức của mình so với thực tế. Sẽ có những ngôn ngữ chuyên ngành, thông tin chuyên biệt nào đó mà bạn không thực sự hiểu. Bạn nên đặt các câu hỏi: “Những người làm công việc này cần phải biết điều gì?”, “Có điều gì mà mọi người đều phải nên biết không?”, hoặc “Tôi còn thiếu sót gì không?”.
Trường hợp xấu nhất, nếu bạn không tìm được ai để hỏi, hãy tìm hiểu các diễn đàn chuyên ngành, tìm trên Google các câu hỏi bạn cần.
Trong cuộc phỏng vấn, bạn có thể bù đắp thiếu hụt về kinh nghiệm hay kỹ năng bằng hiểu hiết sâu sắc về công ty và lĩnh vực công việc. Ví dụ, nếu bạn chưa từng sử dụng phần mềm mà công ty dùng, bạn cũng có vẻ chuyên nghiệp nếu như bạn từng nghe đến nó, và bạn có thể thảo luận rằng nó phản ánh cách hoạt động của công ty như thế nào sau khi sếp mới đưa nó vào hệ thống. Một ít nghiên cứu nhỏ có thể thay đổi rất lớn về ấn tượng của bạn.
Bước 2: Chuyển từ “có thể thích ứng” sang “kỹ năng cộng thêm”
Vũ khí bí mật: Hãy tìm các ý tưởng sáng tạo thiết thực
Các kỹ năng thích ứng linh hoạt là điểm quan trọng trong các buổi phỏng vấn. Nó chứng tỏ cho kinh nghiệm của bạn. Kỹ năng thích ứng biến “chưa có kinh nghiệm bán hàng” thành “ba năm kinh nghiệm trong quan hệ khách hàng, có tầm nhìn độc đáo trong tiếp thị.” 
Nhưng đôi lúc, kỹ năng thích ứng vẫn chưa đủ. Ngay cả nếu bạn thể hiện đủ để bù đắp cho thiếu hụt về kinh nghiệm, nó cũng chỉ chứng tỏ rằng bạn “có thể làm việc”. Để thể hiện “là lựa chọn tốt nhất cho công việc”, bạn cần chuyển kỹ năng thích ứng thành kỹ năng cộng thêm.
Kỹ năng cộng thêm là điều gì đó độc đáo mà chỉ có bạn đưa tới được. Nếu bạn đã đến được vòng phỏng vấn dù chưa thực sự đáp ứng đầy đủ yêu cầu, bạn đã có điều gì đó đặc biệt. Nếu bạn đã làm việc ít lâu trong ngành nghề khác, bạn có kinh nghiệm từ ngành nghề đó. Nếu bạn trẻ hơn hầu hết các ứng cử viên cho việc đó, bạn có thể có một thư xin việc độc đáo thú vị hoặc mạng lưới liên hệ ấn tượng.
Buổi phỏng vấn là cơ hội để bạn thể hiện điều khác biệt ấy của mình. Ví dụ như bạn phỏng vấn cho công việc làm một phần mềm, và bạn có thể thảo luận về những điểm ngoại lệ trên quan điểm cá nhân của bạn, những điều mà các ứng cử viên “truyền thống” không nghĩ tới.  
Phỏng vấn cho một công việc hơi quá tầm khá là khó khăn, nhưng nếu bạn cố gắng và nỗ lực hơn, bạn sẽ vượt qua được khoảng cách có một cơ hội lớn.

Ai tạo ra những chiếc xe độc trong 'Fast & Furious 7'

Monday, April 13, 2015 / No Comments


Phim bom tấn "Fast & Furious 7" đang gây sốt mọi phòng chiếu, luôn khiến người xem tự hỏi làm thế nào để có những chiếc xe độc nhất vô nhị như thế?

Điều làm nên sức hút của Fast & Furious 7 không chỉ là dàn diễn viên đình đám, những pha hành động mãn nhãn mà còn là sự xuất hiện của những chiếc xe hoành tráng. Vậy phía sau hậu trường, ai là người đã tạo ra những cỗ máy khủng khiếp và tuyệt mỹ đến như vậy?

Chiếc off-road không nhãn hiệu của Letty.

Hãy gặp điều phối viên phụ trách hình ảnh xe hơi, đồng thời cũng là kỹ sư chế tạo nên những chiếc xe có một không hai này - ông Dennis McCarthy.
McCarthy, chủ sở hữu của hãng độ xe Effects, từng làm việc trong một số các bộ phim hành động bom tấn khác như Taken 3, Man of Steel, Teenage Mutant Ninja Turtles, Total Recall, The Green Hornet.
Dennis McCarthy, giám đốc hình ảnh xe ô tô trong Fast & Furious 7.
Dennis McCarthy, Giám đốc hình ảnh xe ô tô trong Fast & Furious 7.
Những bộ phim kể trên đều có những siêu xe góp mặt, và tất cả chúng đều được tạo ra dưới bàn tay "ma thuật" của Dennis McCarthy. Ông có một cửa hàng nâng cấp ô tô đặt tại Sun Valley, cách 10 km về phía bắc so với trung tâm Hollywood.
Cùng với nhóm của mình, ông đã phải tiến hành hàng loạt các điều chỉnh và thay thế phụ tùng cho hầu hết những chiếc xe được sử dụng trong phim theo đúng ý đồ của đạo diễn.
Dodge Charger R/T đời 1968 của Dom.
Dodge Charger R/T đời 1968 của Dom.
Nhóm của ông bao gồm kỹ sư chuyên về mặt thiết kế xe, kỹ sư động cơ, kỹ sư sơn... và những chiếc xe được ra lò từ đây được rất nhiều đơn đặt hàng trong các bộ phim bom tấn hành động.
Giờ đây, với bộ phim dự đoán sẽ đạt kỷ lục doanh thu Fast & Furious 7, chúng ta mới được biết rõ hơn về người đàn ông đứng sau hàng loạt siêu xe đáng kinh ngạc ở series 5 phim Fast & Furious trong quá khứ.
Vào năm 1990, Dennis McCarthy khai trương một cửa hàng ở Burbank, nơi đây là trung tâm các loại xe độ. Khi đó ông được nhận một vài hợp đồng sửa chữa nâng cấp lại các ô tô cũ của hãng giải trí Disney và NBC.
Chevy Camaro Z/28 đời 1968 của Roman.
Chevy Camaro Z/28 đời 1968 của Roman.
Bộ phim đầu tiên của ông được nhà sản xuất ký hợp đồng là bộ phim Dragonfly với Kevin Costner thủ vai, nhiệm vụ là chế tạo một chiếc xe buýt khác biệt để phù hợp với pha hành động kịch tính trong bộ phim. Sau đó, ông đã nhận được thêm các đơn đặt hàng từ nhiều hãng phim khác nhau.
Với Fast & Furious 7, Dennis McCarthy lại tiếp tục có cơ hội góp sức tạo ra những pha hành động kịch tính nhất cho bộ phim. Ngay từ đầu, McCarthy đã biết được rằng những chiếc ô tô phải đáp ứng được một dãy dài những yêu cầu được đề cập trong kịch bản.
Dodge Challenger SRT 392 đời 2015 của Letty.
Dodge Challenger SRT 392 đời 2015 của Letty.
McCarthy đã làm nên những phiên bản off-road cho chiếc Dodge Charger R/T đời 1968 của Dom, chiếc Dodge Challenger SRT 392 đời 2015 của Letty, chiếc Chevy Camaro Z/28 đời 1968 của Roman, chiếc Subaru WRX STI đời 2014 của Brian và chiếc Jeep Rubicon X đời 2014 của Tej.
Những chiếc xế độ này phải có khả năng thực hiện được những pha gay cấn theo đúng kỳ vọng của người hâm mộ về một chiếc xe xuất hiện trong Fast & Furious 7, và McCarthy đã làm tốt hơn sự mong đợi đó.

Phát hành “Những điều cần biết về tuyển sinh ĐH, CĐ 2015“

Sunday, April 12, 2015 / No Comments
Theo thông tin từ lãnh đạo Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, hôm nay, ngày 6/4, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã chính thức phát hành“Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015” trên phạm vi toàn quốc.


 Cuốn "Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015", tập 1. Ảnh: CTV.
Khác với mọi năm, tài liệu những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm nay được chia thành hai tập. Tập một là “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015” của các trường thuộc các tỉnh phía Bắc (từ tỉnh Hà Tĩnh trở ra) và tập hai là “Những điều cần biết về tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2015” của các trường thuộc các tỉnh phía Nam (từ Quảng Bình trở vào).

Tài liệu tập hợp các thông tin cần thiết về kỳ thi trung học phổ thông quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng hệ chính quy năm 2015 như danh sách cụm thi, lịch thi, những điều thí sinh cần lưu ý, bảng phân chia khu vực tuyển sinh, mã tỉnh, mã thành phố, thông tin tuyển sinh của các trường đại học (chỉ tiêu, tổ hợp môn xét tuyển, điều kiện xét tuyển, học phí, học bổng…)

Theo đại diện Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam, các năm trước, tài liệu những điều cần biết chỉ khoảng 400 trang và được in thành một cuốn.

Tuy nhiên, năm nay, do có sự thay đổi trong tuyển sinh nên thông tin cần cung cấp cho thí sinh nhiều hơn, số lượng trang lên đến hơn 600 trang. Vì thế, Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã quyết định in thành hai tập, mỗi tập khoảng 300 trang, chia thành hai nhóm trường theo khu vực Bắc và Nam để tiện cho thí sinh tra cứu. Giá mỗi tập là 35.000 đồng.

Tài liệu được sưu tầm, tuyển chọn và cập nhật đến ngày 25/3/2015 trên cơ sở thông tin do các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng trong toàn quốc cung cấp.
Theo Vietnam+

Những điều cần biết để có một bức ảnh phơi sáng đẹp

Saturday, April 11, 2015 / No Comments
Chụp ảnh phơi sáng là một thể loại nhiếp ảnh rất hay. Mặc dù chỉ đơn giản là giảm tốc độ màn trập xuống một cách hợp lý để tạo hiệu ứng lạ mắt, nhưng nếu có sự chuẩn bị kỹ càng và tuân thủ một vài nguyên tắc thì chúng ta sẽ có những bức ảnh phơi sáng ‘chuẩn’ và ấn tượng hơn.


Phơi sáng - là kỹ thuật chụp mà người chụp sẽ kéo dài thời gian cho cảm biến tiếp xúc với ánh sáng, qua đó tạo được một bức ảnh đủ sáng mà lại có những hiệu ứng đặc biệt, đẹp mắt.
Như chúng ta đã biết thì về mặt kỹ thuật, giá trị sáng trong mỗi bức ảnh là kết quả của việc kết hợp 3 yếu tố: Độ nhạy sáng của phim/cảm biến (ISO), khẩu độ ống kính và thời gian phơi sáng. Nếu như việc tăng giảm ISO ảnh hưởng đến độ nhiễu hoặc mịn của bức ảnh, tăng giảm khẩu độ dẫn đến việc ảnh nét sâu, nét nông (hay xoá phông), thì thời gian phơi sáng sẽ mang đến những bức ảnh có thể “bắt đứng” hoặc “làm nhoè” chuyển động.
Tuỳ trường hợp mà người dùng sẽ chọn “bắt đứng” hoặc “làm nhoè”, chẳng hạn như chụp thể thao, chụp động vật thì việc chủ thể bị “đóng băng” trong khung hình là điều cần thiết. Trong những trường hợp này thì tốc độ chụp thường rơi vào khoảng 1/500, 1/1000 giây hoặc ngắn hơn nữa.


Không có một tốc độ nào được quy ước cho thể loại ảnh phơi sáng, nhưng thông thường, ảnh phơi sáng thường có tốc độ chụp khoảng trên 1/10 giây, thậm chí kéo dài đến vài phút, vài giờ tuỳ thuộc bối cảnh cũng như khả năng của thiết bị. Kỹ thuật phơi sáng thường được dùng để ghi lại cảnh xe cộ đi lại tạo thành các vệt sáng dài, thác nước, pháo hoa,… và còn rất nhiều trường hợp khác tuỳ thuộc sự sáng tạo của người chụp.
Hiểu một cách đơn giản là vậy, thế nhưng khác với việc chỉnh khẩu độ và ISO (người dùng đơn giản là chỉ cần xoay vòng chỉnh trên thân máy), việc chụp ảnh phơi sáng yêu cầu bạn cần lưu ý nhiều yếu tố, nếu không muốn thành quả của mình là một bức ảnh nhoè nhoẹt, lem nhem.

Chuẩn bị đồ nghề

Không thể phủ nhận có những người có thể chụp ảnh phơi sáng mà chẳng cần bất cứ dụng cụ hỗ trợ nào, chỉ cần tay và máy, tuy nhiên nếu thực sự nghiêm túc với thể loại ảnh này, bạn nên trang bị cho mình những thiết bị, dụng cụ hỗ trợ cơ bản dưới đây:
Máy ảnh có khả năng chỉnh tốc hoặc chụp liên tiếp:
Hầu hết các loại máy ảnh hiện nay đều đã cho phép điều chỉnh tốc độ chụp (chế độ S hoặc M), thậm chí nhiều điện thoại hiện nay của Microsoft, HTC hay OPPO,.. cũng có chế độ này. Nếu không thể phơi sáng, bạn cũng có thể chọn cách chụp liên tiếp, sau đó dùng phần mềm ghép lại (phơi sáng giả). Máy ảnh có khả năng hẹn giờ chụp cũng là một điểm cộng lớn cho việc chụp ảnh phơi sáng.
Chân máy
Chân máy là một thiết bị bắt buộc đối với chụp ảnh phơi sáng. Bất cứ rung động nhỏ trong quá trình chụp cũng có thể khiến bức ảnh của chúng ta bị nhoè mờ, chính vì vậy khó mà dùng tay để giữ máy nếu cần phơi sáng dài được. Chúng ta nên chọn chân máy gọn nhẹ, chắc chắn để tiện di chuyển và cũng tránh bị ảnh hưởng bởi các yếu tố bên ngoài, chẳng hạn như gió thổi, tay bấm.

Kính lọc
Không ít trường hợp người dùng cần phơi sáng trong một thời gian rất dài. Dài đến mức mà các giới hạn tối thiểu về khẩu độ cũng như độ nhạy sáng vẫn không thể giúp bức ảnh không bị dư sáng. Một ví dụ dễ thấy nhất của việc này phơi sáng ban ngày, chẳng hạn như phơi thác nữa, sóng biển, hồ nước,…
Khi đó, các kính lọc có tác dụng giảm lượng ánh sáng đi vào (filter ND) sẽ là thiết bị giúp ích đắc lực cho người chụp.

Filter cho ống kính: Phụ kiện hay mà nhiều người chụp ảnh bỏ qua

Trong các phụ kiện ngành ảnh, filter (kính lọc) được nhắc đến không nhiều, nhưng đây lại là một phụ kiện khá thú vị và có vai trò quan trong trong nhiều tình huống nhiếp ảnh
Ngoài ra, bạn cũng có thể trang bị cho mình một vài dụng cụ hỗ trợ đơn giản nhưng hữu ích khác như điều khiển từ xa, màn đen chắn sáng. Đây là những dụng cụ rất có ích cho việc chụp ảnh pháo hoa, giúp người chụp có thể căn được thời gian bấm máy chuẩn, không sợ rung máy khi bấm chụp hoặc thu được những khoảnh khắc không cần thiết.

Chọn bối cảnh

Bối cảnh của việc chụp phơi sáng rất đa dạng. Có thể nói bất cứ khung cảnh nào khi chụp phơi sáng cũng có thể mang lại những kết quả khá bất ngờ. Tuy nhiên, người ta thường chọn phơi sáng những bối cảnh có chuyển động một cách tuần hoàn hoặc liên tục để có thể phơi thoả mái mà kết quả cũng ảo diệu hơn. Ngay cả với những cảnh vật không chuyển động, trong điều kiện ánh sáng cực yếu, nếu không muốn tăng ISO làm bức ảnh bị nhiễu thì phơi sáng cũng là một cách để có một bức ảnh “đủ sáng” và nhìn được.

Nếu đó là bối cảnh tự nhiên, chẳng hạn như khi bạn nhìn thấy một cảnh đẹp và muốn ghi lại chứ không hề có sự sắp sếp, ví dụ như chụp ảnh pháo hoa, chụp ảnh thác nước, đường đi,… Hãy chú ý vào những yếu tố động và tĩnh.
Những vật thể chuyển động chính là cái mà chúng ta mong muốn, nhưng hãy nhớ rằng chuyển động có tính tương đối, nghĩa là nó chỉ chuyển động nếu so với những thứ đứng yên. Người chụp cần quan sát để có thể lựa chọn đối tượng chụp phù hợp, không nên quá xa đà vào nhiều vật thể di chuyển. Không bắt buộc, nhưng trong ảnh nên có những vật thể đứng yên để chúng làm nổi bật nhau lên, mang lại bức ảnh có cảm xúc hơn.


Một vài ví dụ rất thực tế mà có thể bạn đã bắt gặp:
- Giữa một dòng người đông đúc đi lại, có một người đứng yên, trầm tư.
- Dòng xe đi lướt qua tạo nên các vệt sáng, nhưng cây cối, nhà cửa đứng yên.
- Dòng nước chuyển động mờ ảo, nhưng xen lẫn là những con thuyền, bãi đá đứng yên.
….
Sáng tạo hơn, chúng ta còn có thể tự tạo ra những bối cảnh của riêng mình, do chính mình sắp xếp. Điển hình của việc này là dùng steel wool tạo vòng trong lửa, dùng đèn để vẽ tên,… Bối cảnh của những thể loại này thì không quá phức tạp, vì nhân vật chính chính là những vòng lửa kia rồi.





Kỹ thuật phơi sáng

Nói về kỹ thuật chụp ảnh, chẳng có lý thuyết nào bằng việc chính các bạn thực hành cả. Thế nên kỹ thuật phơi sáng cũng vậy. Hãy thực hành thật nhiều, bất cứ cảnh vật nào cũng có thể thật khác lạ và mang đến cảm giác mới mẻ với kiểu chụp này.
Thể loại ảnh phơi sáng chú trọng nhiều vào tốc độ chụp, 2 yếu tố còn lại là ISO và khẩu độ, chúng ta nên để chúng ở mức nhỏ nhất có thể để được thoải mái điều chỉnh hơn. Việc phơi sáng 1s, 2s hay vài phút sẽ mang đến những kết quả cực kỳ khác nhau, qua đó người chụp sẽ nắm được cách kết hợp giữa thời gian, khẩu độ, ISO một cách hợp lý hơn.
Một trong những rắc rồi mà người chụp ảnh phơi sáng thường gặp phải, đó chính là việc sáng không đều giữa các phần trong bức ảnh. Để khắc phục vấn đề này thì chúng ta có thể sử dụng kính lọc theo vùng (filter GND) hoặc chụp 2 bức ảnh khác nhau rồi ghép làm một.

10 bí quyết “yêu” mỗi phụ nữ nên biết

Friday, April 10, 2015 / No Comments
1. Loại bỏ mọi ức chế
Không có khiến anh chàng của bạn bị kích thích và nhiệt tình hơn khi biết đối tác đang “phát điên” vì những hành động của mình.
2. Nói chuyện suồng sã hơn với anh ấy
Việc này có thể giúp cả hai trở nên tự nhiên hơn khi gần gũi.
3. Chăm sóc làn da mượt mà
Chàng của bạn không thích vuốt ve một làn da khô và có nhiều vật cản trở. Vì vậy, bạn nên chăm sóc da và tẩy lông tay, lông chân nếu chúng cứng và dày.
4. Dành thời gian ngọt ngào cho phòng ngủ
Đừng vội vàng “về đích”. Phái mạnh cũng thích “màn dạo đầu”. Vì vậy, hãy thoát ra khỏi thói quen “yêu” nhanh gọn và dành thời gian khám phá cơ thể bạn và đối tác.


Ảnh minh họa
5. Gửi thông điệp quyến rũ, mời gọi
Bằng cách nào đó, bạn hãy báo hiệu cho đối tác biết bạn đang “muốn” chàng. Nó sẽ có tác dụng “kích thích” rất hiệu quả.
6. Thử nghiệm những điều mới mẻ
Bạn đừng ngại ngần làm việc này bởi chúng thực sự như một loại gia vị giúp “cuộc yêu” trở nên hấp dẫn hơn.
7. Nhớ “yêu” an toàn
Nếu muốn tránh các bệnh viêm nhiễm hay lây truyền qua đường tình dục, bạn cần phải đảm bảo luôn có biện pháp chủ động phòng ngừa.
8. Không cần phải thay đổi cơ thể để “yêu” tốt hơn
Cơ thể bạn đẹp theo cách riêng của nó. Chính vì thế, bạn không phải tự ti vì bất cứ khuyết điểm nào trên cơ thể. Hãy biết yêu cơ thể và giữ tinh thần luôn lạc quan, vui vẻ. Đó mới chính là cách để cuộc sống của bạn tốt đẹp hơn.
9. Không có thời điểm cố định cho việc “giao ban”
Đừng tự tạo áp lực cho bản thân bởi những lịch trình thời gian cứng nhắc. Việc “gần gũi” cần có sự thăng hoa của cảm xúc. Vì vậy, khi bạn đã sẵn sàng và có hứng thú, đừng ngần ngại.
10. Chú trọng đến nụ hôn
Có người khẳng định có thể “lên đỉnh” khi đón nhận một nụ hôn tuyệt vời của đối tác. Điều này cũng dễ hiểu bởi ngoài kỹ thuật hôn, miệng là nơi tập trung rất nhiều đầu dây thần kinh. Vì vậy, bạn nên tìm hiểu những lời khuyên để có kỹ năng hôn tuyệt vời giúp đối tác thăng hoa hơn.

Những điều cần biết về sốt xuất huyết

Thursday, April 9, 2015 / No Comments

Các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, tiểu ít là dấu hiệu của bệnh nặng lên.


Sốt Dengue và sốt xuất huyết Dengue là bệnh truyền nhiễm gây dịch do virus Dengue gây nên. Virus Dengue có 4 tuýp huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3 và DEN-4. Virus truyền từ người bệnh sang người lành do muỗi đốt.
Muỗi Aedes Aegypti là côn trùng trung gian truyền bệnh chủ yếu. Muỗi có các vằn đen ở bụng, khi chích thì muỗi hướng bụng xuống dưới. Bệnh xảy ra quanh năm nhưng thường gia tăng vào các tháng mùa mưa.
Cách nhận biết sốt xuất huyết
Sốt Dengue có các biểu hiện: Bệnh nhân sốt cao đột ngột, liên tục kéo dài từ 2-7 ngày. Các biểu hiện xuất huyết có thể thấy như nghiệm pháp dây thắt dương tính, chấm xuất huyết ở dưới da, chảy máu chân răng hoặc chảy máu cam.
Bên cạnh đó, bệnh nhân còn thấy nhức đầu, chán ăn, buồn nôn, da sung huyết, phát ban và thấy đau cơ, đau khớp, nhức 2 hố mắt. Bệnh nhân có thể bị nổi hạch (thường hay gặp ở quanh khuỷu tay). Tuy nhiên, khi thực hiện thí nghiệm cận lâm sàng chưa xảy ra hiện tượng đông đặc máu.
Đối với sốt xuất huyết Dengue bệnh nhân có các biểu hiện: Sốt cao đột ngột, liên tục từ 2-7 ngày. Có biểu hiện xuất huyết thể hiện rõ từ ngày thứ 2, thứ 3 của bệnh dưới nhiều hình thái: Dấu hiệu dây thắt dương tính và xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc ở niêm mạc.
Khi xuất huyết dưới da, bệnh nhân có nốt xuất huyết rải rác hoặc chấm xuất huyết thường ở mặt trước 2 cẳng chân và mặt trong 2 cánh tay, bụng, đùi, mạng sườn hoặc mảng bầm tím. Khi xuất huyết ở niêm mạc, bênh nhân bị chảy máu mũi, lợi, đôi khi xuất huyết ở kết mạc, tiểu ra máu. Kinh nguyệt kéo dài hoặc xuất hiện kinh sớm hơn kỳ hạn. Đặc biệt, bệnh nhân còn bị gan to.
Khi bệnh nhân có các biểu hiện như vật vã, bứt rứt hoặc li bì, lạnh đầu chi, da lạnh ẩm, mạch nhanh nhỏ, huyết áp hạ, tiểu ít là dấu hiệu của bệnh nặng lên. Lúc này, cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất. Ngoài ra, bệnh nhân còn bị xuất huyết nội tạng như tiêu hóa, phổi, não.
 

Chăm sóc người bệnh sốt xuất huyết
Điều trị bệnh
Sốt xuất huyết Dengue được chia làm 4 độ.
- Độ I: Sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính.
- Độ II: Sốt đột ngột, kéo dài từ 2-7 ngày; dấu hiệu dây thắt dương tính. Đi kèm theo xuất huyết tự nhiên dưới da hoặc niêm mạc.
- Độ III: Có dấu hiệu suy tuần hoàn, mạch nhanh nhỏ, huyết áp kẹt, hạ huyết áp kèm theo các triệu chứng như da lạnh, ẩm, bứt rứt hoặc vật vã, li bì.
- Độ IV: Sốc nặng, mạch nhỏ khó bắt, huyết áp không đo được (HA = 0).
Khi bệnh nhẹ, bệnh nhân có thể điều trị tại nhà. Nếu sốt cao trên 390C nên cho bệnh nhân uống thuốc hạ nhiệt, nới lỏng quần áo và lau mát bằng nước ấm. Thuốc hạ nhiệt chỉ được dùng là paracetamol đơn chất, liều dùng từ 10-15 mg/kg cân nặng/lần, cách nhau mỗi 4-6 giờ.
Chú ý: Tổng liều paracetamol không quá 60 mg/kg cân nặng/24 giờ. Cấm dùng aspirin (acetyl salicylic acid), analgin, ibuprofen để điều trị vì có thể gây xuất huyết, toan máu.
Bệnh nhân có thể bù dịch sớm bằng đường uống: Khuyến khích người bệnh uống nhiều nước oresol hoặc nước sôi để nguội, nước trái cây (nước dừa, cam, chanh…) hoặc nước cháo loãng với muối.
Nên chú ý xem xét truyền dịch nếu người bệnh ở độ I và II mà không uống được, nôn nhiều, có dấu hiệu mất nước, lừ đừ, dung tích hồng cầu tăng cao mặc dù huyết áp vẫn ổn định. Dịch truyền bao gồm: Ringer lactat, NaCl 0,9% (những trường hợp này phải có chỉ định của bác sĩ chuyên khoa). Ở bệnh nhân trên 15 tuổi, có thể xem xét ngừng truyền dịch khi hết nôn, ăn uống được.
Cách phòng bệnh sốt xuất huyết
Hiện nay chưa có vắc-xin phòng bệnh, biện pháp phòng bệnh chủ yếu là kiểm soát côn trùng trung gian truyền bệnh như tránh muỗi đốt, diệt bọ gậy (loăng quăng), diệt muỗi trưởng thành, vệ sinh môi trường loại bỏ ổ chứa nước đọng.
Theo BS Cái Văn Khuyến - Người lao động